Địa lý Cát_Lâm

Bản đồ địa hình Cát LâmSườn bắc của dãy núi Trường Bạch thuộc tỉnh Cát LâmThành phố Cát Lâm trong mùa đôngĐoạn Tùng Hoa Giang chảy qua thành phố Cát LâmThiên Trì trên đỉnh Trường Bạch, hồ được phân chia giữa Trung Quốc và Triều Tiên

Cát Lâm nằm ở Đông Bắc Trung Quốc, giáp với tỉnh Hắc Long Giang ở phía bắc, giáp với tỉnh Liêu Ninh ở phía tây nam, giáp với khu tự trị Nội Mông Cổ ở phía đông, giáp với vùng Primorsky của Nga ở một đoạn nhỏ phía đông, và giáp với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (thành phố Rason, tỉnh Hamgyong Bắc, tỉnh Ryanggang, tỉnh Chagang) ở phía đông nam qua Đồ Môn Giang, Áp Lục Giang và Trường Bạch Sơn. Cát Lâm nằm giữa 122°-131° kinh Đông và 41°-46° vĩ Bắc. Tổng diện tích của tỉnh Cát Lâm là khoảng 187.400 km², chiếm khoảng 2% diện tích Trung Quốc. Tỉnh Cát Lâm trải dài 750 km theo chiều đông -tây và 600 km theo chiều bắc-nam.[20] Tỉnh Cát Lâm có 1438,7 km biên giới quốc tế, trong đó tuyến biên giới Trung-Nga của tỉnh dài 232,7 km và tuyến biên giới Trung-Triều của tỉnh dài 1.206 km.[21]

Địa hình, địa mạo

Nếu lấy Đại Hắc Sơn (大黑山) ở trung bộ tỉnh làm ranh giới, tỉnh Cát Lâm có địa thế cao ở đông nam với các vùng núi non và gò đồi có cao độ trên 500 m thuộc dãy núi Trường Bạch. Trường Bạch Sơn là núi cao nhất tỉnh Cát Lâm cũng như bán đảo Triều Tiên với cao độ 2.744 m. Thiên Trì trên đỉnh núi được phân chia giữa Trung Quốc và Triều Tiên. Trung và tây bộ tỉnh Cát Lâm là đồng bằng Tùng-Liêu rộng lớn; vùng này có địa thế thấp và bằng phẳng, là khu vực mục nghiệp của Cát Lâm. Trong đó, trung bộ tỉnh Cát Lâm là vùng đồng bằng bằng phẳng, còn tây bộ có các đồng cỏ, hồ ao, đất ngập nước, vùng cát. Địa mạo Cát Lâm chủ yếu do địa mạo núi lửa, địa mạo xói mòn xâm thực, địa mạo đất đỏ bồi tích và địa mạo đồng bằng phù sa cấu thành. Ngoài dãy núi Trường Bạch, trên địa bàn Cát Lâm còn có Đại Hắc Sơn, Trương Quảng Tài Lĩnh (张广才岭), Cát Lâm Cáp Đạt Lĩnh (吉林哈达岭), Lão Lĩnh (老岭), Mẫu Đơn Lĩnh (牡丹岭). Lấy Tùng Liêu Phân Thủy Lĩnh (松辽分水岭) làm ranh giới, vùng đồng bằng của tỉnh Cát Lâm phân thuộc đồng bằng Tùng Nộn ở phía bắc và đồng bằng Liêu Hà ở phía nam. Hiện nay, vẫn có thể trông thấy di tích các sông băng có niên đại từ kỷ Đệ Tứ ở núi Trường Bạch. Địa mạo núi lửa chiếm 8,6% tổng diện tích của Cát Lâm.[22]

Khí hậu

Cát Lâm có khí hậu ôn đới lục địa gió mùa, bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân có gió lớn và khô, mùa hènhiệt độ cao và mưa nhiều, mùa thu có bầu trời trong xanh và thời tiết mát mẻ, mùa đông lạnh kéo dài. Từ đông nam đến tây bắc, khí hậu dần chuyển từ khí hậu bán ẩm sang khí hậu bán khô hạn. Nhiệt độ bình quân năm của hầu hết các khu vực tại tỉnh Cát Lâm là từ 3-5 ℃, nhiệt độ bình quân vào mùa đông là dưới -11 °C còn nhiệt độ bình quân vào mùa hè là trên 23 °C. Chênh lệch nhiệt độ trong năm tại tỉnh Cát Lâm là từ 35 °C-42 °C, chênh lệch nhiệt độ trong một ngày thường là từ 10 °C-14 °C. Trung bình, mỗi năm tỉnh Cát Lâm có từ 100-160 ngày không có sương giá, và có từ 2.259-3.016 giờ nắng. Lượng giáng thủy trung bình năm của tỉnh Cát Lâm là từ 400–600 mm, có sự khác biệt theo mùa và khu vực. 80% tổng lượng giáng thủy của tỉnh Cát Lâm tập trung vào mùa hè và đông bộ của tỉnh là nơi có lượng mưa cao nhất.[23] Lượng mưa vùng núi đông bộ là khoảng 800 mm, vùng gò đồi trung bộ là khoảng 600 mm, vùng đồng bằng tây bộ chỉ 400 mm; tuy nhiên, lượng nước bốc hơi lại tăng dần từ đông nam lên tây bắc tỉnh Cát Lâm.[24]

Sông hồ

Tổng diện tích mặt nước của tỉnh Cát Lâm là 265.500 ha. Trên địa phận tỉnh Cát Lâm có 1648 sông lớn nhỏ có diện tích lưu vực trên 20 km², thuộc 5 hệ thống sông lớn là Tùng Hoa Giang, Liêu Hà, Áp Lục Giang, Đồ Môn Giang, Tuy Phân Hà. Cùng với đó, tỉnh Cát Lâm có 1397 hồ lớn nhỏ có diện tích bề mặt trên 100 mẫu (0,067 km²).[25]

Dãy núi Trường Bạch là nơi khởi nguồn của ba con sông lớn trên địa bàn tỉnh Cát Lâm là Áp Lục, Đồ Môn và Tùng Hoa. Áp Lục Giang chảy về phía tây nam, sang tỉnh Liêu Ninh rồi đổ ra vịnh Triều Tiên và tạo thành biên giới tự nhiên giữa tỉnh Cát Lâm và Triều Tiên; tổng chiều dài của sông Áp Lục là 795 km và đoạn sông tại Cát Lâm dài 575 km. Sông Áp Lục cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động quân sự trong chiến tranh Thanh-Nhật, chiến tranh Nga-Nhậtchiến tranh Triều Tiên. Đoạn sông Áp Lục chảy trên địa phận tỉnh Cát Lâm có đập Vân Phong (云峰), được người Nhật xây dựng từ năm 1942 và nay nước trong hồ chứa do đập tạo ra được sử dụng cho cả mục đích phát điện và thủy lợi.[26]

Đồ Môn Giang chảy về phía đông bắc, tạo thành biên giới tự nhiên giữa Trung Quốc và Triều Tiên và giữa Triều Tiên với Nga rồi đổ ra biển Nhật Bản; 15 km cuối cùng của Đồ Môn Giang từ thời Nhà Minh đến gần cuối thời Thanh vẫn là biên giới giữa Trung Quốc và Triều Tiên, tuy nhiên sau điều ước Bắc Kinh vào năm 1860 thì bờ bắc 15 km cuối của Đồ Môn Giang thuộc về Nga, Trung Quốc mất quyền đi ra biển Nhật Bản qua sông Đồ Môn[27] Mặc dù Đồ Môn Giang có nhiều lính Triều Tiên tuần tra song nó được những người tị nạn Triều Tiên trong thời gian gần đây lựa chọn để vượt biên sang Trung Quốc vì con sông này nông và hẹp hơn Áp Lục Giang, có thể vượt qua một cách dễ dàng bằng cách đi bộ hoặc bơi ở nhiều điểm.[19] Hải Lan Giang (海兰江) là một chi lưu lớn của Đồ Môn Giang, sông này có chiều dài 145 km và chảy trên địa phận Diên Biên.[28]

Tùng Hoa Giang có diện tích lưu vực là 545.600 km² và là con sông có diện tích lưu vực lớn thứ ba tại Trung Quốc, chỉ sau Trường GiangHoàng Hà. Trên địa bàn tỉnh Cát Lâm, Tùng Hoa Giang chảy theo hướng tây bắc từ đầu nguồn cho đến khi hợp lưu với Nộn Giang tại phía bắc Tùng Nguyên, đoạn này của Tùng Hoa Giang từng được gọi là "Đệ Nhị Tùng Hoa Giang" (第二松花江) và danh xưng này được sử dụng cho đến năm 1988. Sau khi hợp lưu với Nộn Giang, Tùng Hoa Giang trở thành một đoạn ranh giới tự nhiên giữa tỉnh Cát Lâm và tỉnh Hắc Long Giang rồi đi hoàn toàn vào tỉnh cực bắc Trung Quốc. Huy Phát Hà (辉发河) là một chi lưu lớn ở thượng nguồn Tùng Hoa Giang, sông chảy theo hướng đông bắc và hợp với Tùng Hoa Giang tại Hoa Điện, có tổng chiều dài 268 km và gần như toàn bộ chảy trên địa phận tỉnh Cát Lâm. Huy Phát Hà cũng gắn liền với bộ lạc Huy Phát của người Nữ Chân xưa kia. Trên thượng du Tùng Hoa Giang có Tùng Hoa hồ, hay còn gọi là hồ chứa Phong Mãn (丰满水库). Tùng Hoa hồ là một hồ nước nhân tạo, cách trung tâm thành phố Cát Lâm 24 km, được hình thành do chặn đập trên Tùng Hoa Giang để phục vụ cho nhà máy thủy điện được xây dựng từ năm 1937 với chiều dài 200 km, nơi rộng nhất là 10 km, điểm sâu nhất là 75 m. Tổng diện tích hồ là khoảng 500 km², là hồ có diện tích mặt lớn nhất tỉnh Cát Lâm với dung tích tối đa là 10,8 tỷ mét³ nước.[29]

Ẩm Mã Hà (饮马河) có chiều dài 387 km và toàn bộ dòng chảy của nó đều nằm trên địa bàn tỉnh Cát Lâm. Trên Ẩm Mã Hà có hồ chứa Thạch Đầu Khẩu Môn (石头口门水库), được xây dựng từ năm 1959, có diện tích lưu vực 4944 km² và là một nguồn cung cấp nước chủ yếu của tỉnh lị Trường Xuân.[30] Nạp Lâm Hà (拉林河) bắt nguồn từ Trương Quảng Tài Lĩnh, có tổng chiều dài 244 km và nhiều phần của sông này tạo thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Cát Lâm và Hắc Long Giang. Nạp Lâm Hà đổ vào Tùng Hoa Giang tại huyện Phù Dư của tỉnh Cát Lâm.[31] Y Thông Hà (伊通河) là chi lưu lớn nhất của Ẩm Mã Hà, sông này dài 342,5 km, trong đó có 23 km chảy qua khu vực đô thị của Trường Xuân, nó còn được gọi là "sông mẹ" của thành phố tỉnh lị của tỉnh Cát Lâm.[32] Trên Y Thông Hà có hồ chứa Tân Lập Thành (新立城水库), hồ cách trung tâm Trường Xuân khoảng 20 km về phía thượng nguồn và có diện tích lưu vực 1970 km².[33]

Nộn Giang cũng là một con sông lớn ở Đông Bắc Trung Quốc, sông này bắt nguồn từ Đại Hưng An lĩnh rồi chảy xuống phía nam, tạo thành một đoạn ranh giới tự nhiên giữa Bạch Thành và Tùng Nguyên của tỉnh Cát Lâm với tỉnh Hắc Long Giang. Thao Nhi Hà (洮儿河) là một chi lưu quan trọng của Nộn Giang, Thao Nhi Hà bắt nguồn từ Nội Mông rồi chảy sang tỉnh Cát Lâm với tổng chiều dài 595 km. Tại Cát Lâm, Thao Nhi Hà chảy trên đất Bạch Thành và chỉ cách nơi hợp lưu với Nộn Giang vài trăm mét, Thao Nhi Hà bị ngăn đập để tạo thành hồ chứa Nguyệt Lượng Phao (月亮泡水库)[34] Hồ chứa Nguyệt Lượng Phao có mục đích phát điện, cấp nước kiểm soát lũ và thủy lợi, đặc biệt như trong trận lụt năm 2003, khi hồ chứa này đã giúp giảm lũ trên sông Tùng Hoa.[24]

Mẫu Đơn Giang là một chi lưu lớn của Tùng Hoa Giang, sông có chiều dài 726 km và bắt nguồn từ dãy núi Trường Bạch thuộc Cát Lâm, trong đó đoạn chảy trên địa phận Cát Lâm (Đôn Hóa) dài 232 km, sau đó chảy sang tỉnh Hắc Long Giang.[35] Tuy Phân Hàchiều dài 242 km, bắt nguồn từ đông bộ Cát Lâm, chảy qua đông nam tỉnh Hắc Long Giang, qua vùng Primorsky của Nga rồi đổ ra biển Nhật Bản. Mục Lăng Hà (穆棱河) bắt nguồn từ vùng ranh giới giữa tỉnh Cát Lâm và tỉnh Hắc Long Giang rồi đổ vào Ô Tô Lý Giang.

Hoắc Lâm Hà (霍林河) cũng từng là một chi lưu của Nộn Giang, sông bắt nguồn từ Nội Mông và đổ vào Nộn Giang tại Bạch Thành của Cát Lâm. Tuy nhiên, do khu vực thượng du và trung du đã xây hồ chứa và sử dụng một lượng lớn nước sông nên Hoắc Lâm Hà đã dần khô cạn từ thập niên 1960.[36] Hồ Tra Can (查干湖) nằm ở huyện Tiền Quách Nhĩ La Tư nay là đoạn cuối cùng của Hoắc Lâm Hà, hồ nằm trên cao độ 126 mét so với mực nước biển, diện tích lớn nhất là 307 km² (có nguồn cho là 420 km²), nước sâu 4 mét, chu vi 104,5 km, dung tích tối đa là 415 triệu m³, là hồ tự nhiên lớn nhất tỉnh Cát Lâm,[37] và cũng là hồ nước ngọt lớn nhất tại vùng bình nguyên Đông Bắc Trung Quốc.[38]

Trong hệ thống Liêu Hà, Đông Liêu Hà bắt nguồn từ huyện Đông Liêu của Cát Lâm. Đông Liêu Hà có tổng chiều dài 448 km và diện tích lưu vực là 11306 km², chủ yếu nằm trên địa bàn Liêu Nguyên và Tứ Bình của tỉnh Cát Lâm. Sau đó, Đông Liêu Hà hợp lưu với Tây Liêu Hà trên địa phận tỉnh Liêu Ninh để tạo thành Liêu Hà.[39] Tây Liêu Hà là một chi lưu chính của Liêu Hà và có 44,2 km sông chảy qua Song Liêu của tỉnh Cát Lâm. Tân Khai Hà là một chi lưu trọng yếu của Tây Liêu Hà, đoạn chảy qua Song Liêu dài 25 km.[40]

Sinh vật

Thông Trường Bạch (Pinus syluestriformis)

Đông bộ tỉnh Cát Lâm là khu sinh thái rừng nguyên sinh Trường Bạch Sơn, trung đông bộ là khu sinh thái thảm thực vật tái sinh đồi núi thấp, trung bộ là khu sinh thái đồng bằng Tùng Liêu còn tây bộ là khu sinh thái đất ngập nước đồng cỏ. Trong đó, vùng núi Trường Bạch có các khu rừng rộng lớn, độ che phủ rừng ở mức cao, rất phong phú về các loài sinh vật, lượng mưa dồi dào. Vùng đồi núi thấp đông trung bộ có các khu rừng tái sinh và do con người trồng, độ che phủ rừng cũng ở mức cao, phong phú về tài nguyên nước và khoáng sản. Đồng bằng Tùng Liêu ở trung bộ Cát Lâm có đất đai màu mỡ và rộng lớn, có điều kiện thuận lợi để sản xuất nông nghiệp. Vùng đồng cỏ ở tây bộ Cát Lâm cũng rất rộng rãi, với các vùng ao hồ và đất ngập nước có diện tích khá lớn, có điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi.[41]

Tính Cát Lâm có 36 khu bảo tồn thiên nhiên, trong đó có 13 khu bảo tồn tự nhiên cấp quốc gia. Tổng diện tích các khu bảo tồn này là 2,23 triệu ha, chiếm 12,26% diện tích toàn tỉnh. Năm 1980, UNESCO đã công nhận Trường Bạch Sơn là khu vực bảo vệ "sinh quyển và con người". Năm 1992, Trường Bạch Sơn được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế đánh giá là khu bảo tồn tự nhiên cấp A quốc tế.[42]

Tại Trung Quốc, Cát Lâm được mệnh danh là cố hương của "Đông Bắc tam bảo" là nhân sâm, da lông chồn (điêu bì) và nhung hươu (lộc nhung). Ngoài ra, còn có các sản vật nổi tiếng khác như linh chi, thiên ma, bất lão thảo, bắc kì, cũng như tùng nhung, hầu đầu ma. Tỉnh Cát Lâm có khoảng 3.890 loài thực vật hoang dã, trong đó bao gồm hơn 270 loài địa y, hơn 900 loài nấm, 140 loài dương xỉ, 30 loài hạt trần, trên 2200 loài thực vật có hoa.[43] Vùng núi Trường Bạch có trên 2.300 loài thực vật, trong đó có nhiều loài có giá trị về kinh tế, dược phẩm như thông Triều Tiên, thông Trường Bạch (Pinus syluestriformis), Picea jezoen, Fraxinus mandschurica.[20]

Tỉnh Cát Lâm có khoảng 445 loài động vật hoang dã, trong đó có 14 loài lưỡng cư, 16 loài bò sát, 335 loài chim, 80 loài thú, chiếm khoảng 17,66% số loài động vật hoang dã của toàn Trung Quốc, riêng số loài chim hoang dã chiếm 30,36% toàn Trung Quốc. Trong số đó, có 76 loài được liệt vào danh mục các loài động vật hoang dã được bảo hộ trọng điểm quốc gia (14 loài thú, 61 loài chim).[43] Các loài động vật có da và lông có giá trị trên địa bàn tỉnh Cát Lâm là hươu sao, chồn zibelin (Martes zibellina), rái cá, linh miêu, hổ Siberi, báo hoa mai; các loài động vật khác gồm nai sừng tấm (Cervus canadensis), hươu xạ, gấu, lửng châu Á (Meles leucurus), ếch đồng, ếch thường; các loài có giá trị lớn về kinh tế là lợn rừng, hoẵng Siberi (Capreolus pygargus), trĩ.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Cát_Lâm http://222.161.18.215:8080/jlsdfz/main.jsp?booknam... http://books.google.com.au/books?id=Lb-FhmJ-DXcC http://mz.china.com.cn/?action-viewnews-itemid-310... http://2004.chinawater.com.cn/slzs/jhzl/slly/20030... http://env.people.com.cn/GB/1072/4620973.html http://www.people.com.cn/GB/shenghuo/1090/2435218.... http://www.jilin.cei.gov.cn/index.jsp http://www.jilin.cei.gov.cn/jlgk/jlgk-jjjs.jsp#ny http://www.jilin.cei.gov.cn/jlgk/jlgk.jsp http://www.harbin.gov.cn/info/news/index/detail_jr...